Giới thiệu khái quát về tỉnh Lạng Sơn

Bản-đồ-hành-chính-Lạng-Sơn

I. Điều kiện địa lý tự nhiên

1. Vị trí địa lý

Lạng Sơn là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Bắc, nằm ở vị trí đường quốc lộ 1A, 1B, 4A, 4B, 279 đi qua, là điểm nút của sự giao lưu kinh tế với các tỉnh phía Tây như Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, phía Đông như tỉnh Quảng Ninh, phía Nam như Bắc Giang, Bắc Ninh, thủ đô Hà Nội và phía Bắc tiếp giáp với Trung Quốc, với 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia và 7 cặp chợ biên giới. Mặt khác, có đường sắt liên vận quốc tế, là điều kiện rất thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế, khoa học – công nghệ với các tỉnh phía Nam trong cả nước, với Trung Quốc và qua đó sang các nước vùng Trung Á, châu Âu và các nước khác…

2. Đặc điểm địa hình

Địa hình ở Lạng Sơn chủ yếu là đồi, núi thấp, độ cao trung bình là 252 m so với mực nước biển, nơi thấp nhất là 20 m, cao nhất là đỉnh Phia Mè thuộc khối núi Mẫu Sơn 1.541 m. Địa hình được chia thành 3 tiểu vùng, vùng núi phía Bắc (gồm các núi đất xen núi đã chia cắt phức tạp, tạo nên nhiều mái núi có độ dốc trên 350), vùng núi đá vôi (thuộc cánh cung Bắc Sơn – Văn Quan – Chi Lăng – Hữu Lũng có nhiều hang động sườn dốc đứng và nhiều đỉnh cao trên 550 m), vùng đồi, núi thấp phía Nam và Đông Nam bao gồm hệ thống đồi núi thấp xen kẽ các dạng đồi bát úp, độ dốc trung bình 10 – 250…

3. Khí hậu

Nền nhiệt không quá cao là nét đặc trưng của khí hậu Lạng Sơn. Mùa đông tương đối dài và khá lạnh, lượng mưa trung bình năm là 1.400 – 1.500 mm, với số ngày mưa là 135 ngày trong năm. Nền địa hình cao trung bình là 251 m, do vậy tuy nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa, nhưng khí hậu ở Lạng Sơn có nét đặc thù của khí hậu á nhiệt đới. Độ ẩm cao (trên 82%) và phân bố tương đối đều trong năm. Sự phân bố khí hậu này đã cho phép Lạng Sơn có thể phát triển đa dạng phong phú các loại cây trồng ôn đới, á nhiệt đới, và nhiệt đới. Đặc biệt là các loại cây trồng dài ngày như hồi, trám, quýt, hồng, đào, lê, thông, cà phê, chè, và các cây lấy gỗ…

 

II. Tài nguyên thiên nhiên

1. Tài nguyên đất

Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 830.521 ha, có 3 loại đất chính, đất feralit của các miền đồi và núi thấp (dưới 700), chiếm trên 90% diện tích tự nhiên, đất feralit mùn trên núi cao (700 – 1.500 m), đất phù sa (9.530 ha), đất than bùn, đất nông nghiệp, cây đặc sản, cây dược liệu, cây lâm nghiệp.

Diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng là 68.958 ha, chiếm 8,3% diện tích đất tự nhiên trong đó đất trồng lúa nước là 38.876 ha.

2. Tài nguyên rừng

Diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 277.394 ha, chiếm 33,4% diện tích đất tự nhiên, trong đó, rừng tự nhiên 185.456 ha, rừng trồng 91.937 ha. Diện tích đất chưa sử dụng, sông, suối, núi, đá là 467.366 ha, chiếm 43,02% diện tích đất tự nhiên. Như vậy, tiềm năng về đất còn rất lớn cho việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển nông nghiệp trong những năm tới.

3. Tài nguyên khoáng sản

Theo số liệu điều tra địa chất cho thấy, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn Lạng Sơn không nhiều, trữ lượng các mỏ nhỏ, nhưng lại khá phong phú, đa dạng về chủng loại như than nâu ở Na Dương (Lộc Bình); than bùn ở Bình Gia; phốtphorit ở Hữu Lũng; bôxít ở Văn Lãng, Cao Lộc; vàng ở Tân Văn, Văn Mịch (Bình Gia); vàng sa khoáng ở vùng Bản Trại, Đào Viên (Tràng Định); đá vôi, cát, cuội, sỏi có ở hầu hết các nơi trong tỉnh với trữ lượng lớn và đang được khai thác để sản xuất vật liệu xây dựng, thạch anh ở vùng Mẫu Sơn (Lộc Bình); quặng sắt ở Chi Lăng và một số loại khác như măng gan, đồng, chì, kẽm, thủy ngân, thiếc,… chưa được điều tra, đánh giá trữ lượng.

 

III. Tiềm năng kinh tế

1. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế

Ngoài những điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa nhân văn phong phú… Lạng Sơn còn là tỉnh miền núi có hệ thống giao thông thuận lợi, có đường biên giới chung với Trung Quốc dài 253 km; có 2 cửa khẩu quốc tế (cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị và cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng), 2 cửa khẩu quốc gia (Chi Ma, Bình Nghi) và 7 cặp chợ biên giới tạo điều kiện cho Lạng Sơn trở thành điểm giao lưu, trung tâm buôn bán thương mại quan trọng của tỉnh trong cả nước với Trung Quốc, sau đó sang các nước Trung Á, châu Âu. Nhất là trong điều kiện hiện nay, khi Nhà nước đang thực hiện chính sách đầu tư phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, thì Lạng Sơn càng có điều kiện để phát triển các ngành kinh tế, đặc biệt kinh tế thương mại – du lịch – dịch vụ. Khu kinh tế cửa khẩu là một trong những vùng kinh tế trọng điểm, là khu vực phát triển năng động nhất, đóng vai trò động lực thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế – xã hội, là trọng tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả tỉnh.

Lạng Sơn có lợi thế về phát triển kinh tế thương mại, với điều kiện về khu kinh tế cửa khẩu, hệ thống giao thông thuận lợi, nên việc buôn bán trong những năm qua ở đây rất sôi động, hàng hoá trong tỉnh, các tỉnh bạn trong cả nước qua Lạng Sơn xuất khẩu sang Trung với số lượng, chủng loại lớn, năm sau cao hơn năm trước. Hàng năm có hàng trăm doanh nghiệp trong cả nước tham gia xuất khẩu qua biên giới, thu hút nhiều doanh nghiệp trong nước, nước ngoài, các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh thương mại – dịch vụ – du lịch ở cửa khẩu và trên địa bàn tỉnh. Thương mại Lạng Sơn phát triển nhanh chóng đã góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao mức sống của nhân dân, tăng thu nhập cho ngân sách địa phương và trung ương. Hàng năm thu thuế hoạt động thương mại chiếm trên 80% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Cùng với buôn bán phát triển, ngành dịch vụ, du lịch, khách sạn, nhà hàng trong những năm qua cũng đã phát triển nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu buôn bán, du lịch của khách trong nước và quốc tế. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 15 khách sạn của Nhà nước và hàng trăm khách sạn, nhà trọ, nhà khách của các cơ quan, tập thể, tư nhân. Các khách sạn, nhà khách được nâng cấp trang thiết bị có máy lạnh, ti vi, điện thoại phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu xã hội.

Hệ thống ngân hàng tập trung ở địa bàn thành phố, các khu kinh tế cửa khẩu hoạt động năng động và hiệu quả, thủ tục tương đối đơn giản, chặt chẽ, thuận lợi cho các hoạt động kinh tế, hoạt động trao đổi buôn bán hàng hóa và ngoại tệ.

 

2. Tiềm năng du lịch

 

Lạng Sơn là một tỉnh có lợi thế lớn về phát triển ngành du lịch, bởi sự kết hợp phong phú, hài hòa giữa vị trí địa lý, thiên nhiên, lịch sử và con người. Lạng Sơn là vùng biên giới, cửa khẩu ở phía Bắc nước ta, lại nằm trên đường giao thông hết sức thuận lợi nối với thủ đô Hà Nội, thường xuyên thu hút khách du lịch tham quan, giao lưu, trao đổi, hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ngoài ra, thiên nhiên đã ban tặng cho Lạng Sơn nhiều hang động, núi rừng tự nhiên và phong cảnh đẹp với khí hậu mùa hè mát mẻ, dễ chịu, được coi là một điểm nghỉ mát, an dưỡng lý tưởng đối với các du khách từ xa đến như động Tam Thanh, động Nhị Thanh, núi nàng Tô Thị, khu du lịch Mẫu Sơn… Lạng Sơn còn là nơi nổi tiếng với nhiều địa danh lịch sử như ải Mục Nam Quan, ải Chi Lăng, Thành nhà Mạc đã bao lần chứng kiến các trận đánh đuổi quân xâm lược trong suốt tiến trình dựng nước và giữ nước, hay với nền văn hóa Bắc Sơn, căn cứ Cách mạng Bắc Sơn. Con người cần cù mến khách cùng với các lễ hội, truyền thống văn hóa làm cho Lạng Sơn luôn là điểm du lịch hấp dẫn đối với khách thập phương.