Lảy Cỏ – Nét đẹp văn hóa của đồng bào Tày, Nùng Xứ Lạng

 “Lảy cỏ” là một nét đẹp văn hóa trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Tày, Nùng ở Lạng Sơn. Những dịp sum họp cộng đồng, người Tày, Nùng vẫn thường tổ chức chơi “lảy cỏ”, vừa tạo không khí vui tươi vừa góp phần bảo lưu các giá trị văn hóa dân tộc. Đặc biệt, khi tết đến xuân về, những bông hoa đào nở rộ khắp các bản làng Xứ Lạng, đồng bào lại cùng nhau đối đáp sli, hát lượn và say sưa “lảy cỏ”.

“Lảy cỏ” còn gọi là “sai mạ” là trò chơi truyền thống trong những dịp lễ, tết, ngày vui của đồng bào Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn và một số địa phương khác. Trò chơi này giống như trò “oẳn tù tì” của người Kinh nhưng phức tạp hơn vì phải kết hợp giữa miệng, tay và trí óc. Khi chơi chỉ có hai người ngồi đối diện hoặc ngồi vòng tròn theo mâm cỗ dựa trên nguyên tắc người nào thắng cuộc sẽ tiếp tục thi tài với người khác, người thua sẽ bị phạt bằng rượu. Đây là hoạt động sinh hoạt văn hóa tinh thần lành mạnh của đồng bào Tày, Nùng, nuôi dưỡng tính kiên trì, thử thách sự nhanh trí của những người tham gia chơi.

 

Thi “Lảy cỏ” tại Liên hoan du lịch Mẫu Sơn năm 2018

Ông Vi Hồng Nhân, Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tày, Nùng cho biết: “Dân tộc Tày và Nùng có nhiều trò chơi truyền thống như: ném còn, đánh yến, đẩy gậy,… trong đó, “lảy cỏ” là trò chơi đặc sắc, phổ biến và thể hiện sự khéo léo, tài tình của người tham gia chơi. Bên cạnh các loại hình văn hóa phi vật thể khác, “lảy cỏ” đã góp phần làm phong phú hơn văn hóa Tày, Nùng Xứ Lạng”.

Trò chơi “lảy cỏ” quan trọng nhất là nằm ở sự phán đoán đối phương xòe ra ngón tay khớp với kết quả của hai người chơi thì thắng. Quá trình phán đoán kết quả được hô bằng ngôn ngữ Tày, Nùng như: “nhất” là số 1, “nhị” là số 2, “slam” là số 3,… Khẩu ngữ “lảy cỏ” thường quy định khi hô phải có đuôi, gọi là “lảy mỳ thang”, cụ thể: số 3 hô là “slam tỉm slam”, số 4 là “slế hồng slế”, số 6 là “loọc woáy loọc”… Cách hô và ra ngón tay phải đều nhau, không ra ngón tay sớm hoặc muộn hơn, nếu người chơi thể hiện không đồng bộ giữa xòe ngón tay và hô thì sẽ bị phạt. Hai bên nói kết quả đúng và trùng nhau thì hòa, gọi là “thồng sỉnh mạ”.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Hoàng Văn Thành, dân tộc Tày, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định chia sẻ: Trò “lảy cỏ” thì chỉ nam giới mới chơi, còn phụ nữ ít khi chơi, lúc chơi phải uống rượu mới vui. Khi tham gia trò chơi này, tôi thấy rất vui và tình cảm mọi người trong bản thêm gắn bó hơn. Tôi rất muốn trò chơi này được gìn giữ mãi để thế hệ mai sau không quên trò chơi truyền thống này của dân tộc mình.

Có thể nói, đã bao đời nay nét văn hóa “lảy cỏ” đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Mỗi khi cộng đồng hay gia đình có những cuộc vui thì không thể thiếu “lảy cỏ” nhằm tạo không khí sôi động, thu hút người xem và hưởng ứng. Trò chơi này giống như sợi dây vô hình gắn kết mọi người từ xa lạ trở nên thân quen, gắn bó.

Cũng như trong mỗi bữa cơm đoàn viên của đồng bào Tày, Nùng lại không thể thiếu những chén rượu cay nồng mang hương vị núi rừng và những tiếng “lảy cỏ” thật ấm áp, vui tươi. Hiện nay, mặc dù xã hội ngày càng phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên, các trò chơi hiện đại xuất hiện ngày càng nhiều nhưng sức sống của “lảy cỏ” vẫn bền bỉ tại các bản Tày, Nùng của Xứ Lạng. Văn hóa được coi là nền tảng tinh thần của mỗi quốc gia, vùng miền hay mỗi tộc người, do đó, việc bảo tồn và phát huy những phong tục tập quán, đặc biệt là những trò chơi truyền thống của mỗi dân tộc lại càng trở nên quan trọng đối với Lạng Sơn nói riêng và Việt Nam nói chung.